Tháng 6 năm 2012, Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20 tháng 3
là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có
Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây
dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công
bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Liên Hợp Quốc quyết định kỷ niệm ngày này
theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Nam Á, nằm
sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya. Bắt đầu từ những năm 1970, nhà vua
của vương quốc này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã
hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế
thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán
dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng
quản lý và mức sống của người dân.
Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày
Quốc tế hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường
xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng
cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm
và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực….Bởi vậy ngày
20/3 - Ngày Quốc tế hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: cân bằng, hài
hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết
định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân
ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”. Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp
tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no
ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về ngày Quốc tế hạnh
phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc,
cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước đối nước các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh
phúc (20/3).
Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam chính thức tổ
chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 với chủ đề “Yêu thương và
chia sẻ”. Vào ngày này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ gửi
thông điệp tới toàn thể nhân dân Việt Nam. Phó Thủ tướng đã khẳng định, kể từ
ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nhà nước dân
chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và
sau này là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn gắn chặt với tiêu ngữ: “Độc
lập-Tự do-Hạnh phúc”. Độc lập là tiền đề của tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tự
do, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị, là mục tiêu của độc lập dân
tộc. Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước Độc lập
và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân
dân phải là người chủ thực thụ của đất nước và của quá trình phát triển. Mọi
người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ. Đó
cũng luôn là mục tiêu, là động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết
tâm xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân
chủ, văn minh, Phó Thủ tướng khẳng định: Nhân dân Việt Nam đã không
quản hy sinh, gian khổ để gìn giữ nền Độc lập của Dân tộc mình, kiến thiết đất
nước mình và cũng luôn sẵn lòng chia sẻ, góp sức, đề cao trách nhiệm là một
thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, hợp tác, phát
triển và thịnh vượng, đem lại hạnh phúc cho nhân loại, gìn giữ màu xanh của
hành tinh.
Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Việt
Nam là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu
vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế
giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù
khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn niềm hạnh phúc.
Để ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết
thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức đồng lòng, trách nhiệm, sáng
tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh
công tác xóa đói giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới các khu vực vùng
đồng bào dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, tới các đối tượng chính sách, dễ
bị tổn thương. Hãy cũng nhau kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt
đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Hãy yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho
mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân
có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực!