TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 -19/5/2024): CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - LÃNH TỤ THIÊN TÀI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Ngày 19/5 hằng năm là
một ngày kỷ niệm thiêng liêng, trọng đại với người Việt Nam và nhiều bạn bè
quốc tế. Đó là Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài của Đảng và
nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân
tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non
sông đất nước ta, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết
của các dân tộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã
hội trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
(lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, hoạt động
cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà
nho yêu nước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tận mắt chứng kiến
dân tộc Việt Nam chìm trong “đêm trường nô lệ” và các phong trào đấu tranh yêu
nước lần lượt thất bại, với lòng yêu nước nồng nàn, nhãn quan chính trị thiên
tài, ngày 05/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc làm
phụ bếp trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời Cảng Nhà Rồng với quyết tâm tìm
đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc.
Người quyết định sang
Phương Tây - nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách
mạng tư sản, để tìm hiểu rõ bản chất của vấn đề. Người đã sớm nhận ra rằng: Các
cuộc cách mạng tư sản dù vĩ đại như cách mạng Mỹ hay cách mạng Pháp, nhưng vẫn
không giải phóng được những người lao khổ, nghĩa là cách mạng không triệt để.
Người tích cực tham gia vào phong trào công nhân, phong trào xã hội ở Pháp và
các quốc gia phương Tây khác, tích cực tham gia Quốc tế Cộng sản; Người đã tham
gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp và Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa nhằm cổ
vũ, đoàn kết, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.
Tháng 7/1920, Nguyễn
Ái Quốc đã đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn
đề thuộc địa” của Lê-nin. Tháng 12/1920, Người tham dự Đại hội lần thứ XVIII
Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng
sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người
yêu nước trở thành một người cộng sản, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước
và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Tháng 2/1930, Người
chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long, thuộc Hồng Kông (Trung Quốc).
Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt
của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và toàn thể
dân tộc Việt Nam. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng
hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước
Việt Nam.
Ngày 28/01/1941, Chủ
tịch Hồ Chí Minh trở về nước, cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách
mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển
hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình
quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và cấp bách,
tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh;
tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách
mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng
nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước
Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân
tộc, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thắng lợi của cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy
năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu
phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là thắng lợi vĩ đại
của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh
lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ
nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi bước đầu với những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân
tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tên tuổi và sự
nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi
trong lòng mỗi chúng ta. Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một
gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời
đại Hồ Chí Minh, Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng
con người Việt Nam, mà còn cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ, vì lương
tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các
dân tộc. Chính vì vậy mà không chỉ nhân dân Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí
Minh mà nhân dân thế giới cũng rất yêu quý Người, dành cho Người những tình cảm
trân trọng và tốt đẹp nhất.
Với Thủ đô Hà Nội, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc giàu
tình nhân ái và những mong muốn thiết tha. Người xác định vị trí “đầu tàu”,
“gương mẫu” của nơi mà “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô
ta” nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội thành một Thủ đô bình yên tươi
đẹp. Hầu hết các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân đến các chiến sĩ bộ
đội, anh chị em dân quân, tự vệ, các nhân sĩ, trí thức, đồng bào tôn giáo, dân
tộc, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, các chị lao công...
đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần.
Tấm lòng, tình cảm,
lời dặn dò tâm huyết và những chỉ dẫn kịp thời của Người đã trở thành nguồn sức
mạnh tinh thần to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong công cuộc xây
dựng, bảo vệ Thủ đô. Đó cũng chính là ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ
và nhân dân Thủ đô trên những chặng đường cách mạng, để Hà Nội với bề dày
truyền thống lịch sử luôn được bảo tồn và phát triển, xứng đáng là trung tâm
chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập.
Kỷ niệm 134 năm Ngày
sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thi đua,
đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, phát huy
cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường… phấn đấu
thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo
tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cứ đến ngày 19/5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí
Minh, đồng bào, chiến sĩ ai cũng muốn có một món quà kính tặng Người. Nhưng với
Bác Hồ, Người từng nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành
tích thi đua ái quốc” và chính vì thế, mỗi dịp sinh nhật Bác là một lần chúng
ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của con người vĩ đại ấy.
Từ năm 1946 đến nay, nhân dân ta có thêm một
ngày kỷ niệm trọng đại - Ngày 19 tháng Năm - sinh nhật Bác Hồ.
Đó không phải là lễ nghi “văn hóa sinh nhật”,
cũng không có nghĩa sùng bái trong “văn hóa chúc thọ”; chỉ thuần là thói quen,
nếp đạo lý của dân tộc mà thôi. Ngày ấy, nhân dân một nước tự do độc lập, sống
những giờ phút đặc biệt trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi, tự hào, với tấm
lòng tràn ngập tình yêu thương kính trọng Bác Hồ.
Trong 24 năm làm Chủ tịch nước
(2/9/1945-2/9/1969), Bác Hồ có 2 lần sinh nhật đặc biệt - là lần đầu tiên của
cuộc đời lãnh tụ (19/5/1946) và lần cuối cùng khi Người “Vào cuộc trường sinh
nhẹ cánh bay” (19/5/1969).
Lần đầu tiên là ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ
Chí Minh quyết định tổ chức sinh nhật nhưng lại để làm nguyên cớ cho đấu tranh
ngoại giao.
Khi đó, Người tự tổ chức buổi sinh nhật trong
tư thế Nguyên thủ quốc gia độc lập có chủ quyền, tiếp đón Cao ủy Pháp tại Đông
Dương D’Argenlieu, nhân vật đang mưu toan ngăn chặn chuyến đi của Hồ Chủ tịch -
vị Thượng khách của nước Pháp.
Sinh nhật tuổi 56 lúc ấy, như Bác nói với đồng
bào: “Chưa có gì đáng chúc thọ” nhưng đối với kẻ thù đang đe dọa nền tự do độc
lập vừa giành lại được, đây lại là cái cớ Người buộc D’Argenlieu phải đến để
đối thoại với hy vọng: “Cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát
triển mới”.
Cũng nhân việc “các nhà báo ở đây đã làm to
ngày sinh nhật của tôi”, Bác có dịp tốt tiếp xúc với nhân dân, tự vệ, hướng
đạo, đại biểu Nam Bộ, với các giới, các cháu thiếu nhi đến chúc mừng; Bác tặng
các đại biểu thiếu nhi cây bách tán và mong: “Cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm
cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt''. Bác cũng kết hợp nói chuyện,
giáo dục nếp sống mới và cần kiệm liêm chính.
Ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1946 trở thành
ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân
xung quanh Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, một quá trình đấu tranh cách mạng và
kháng chiến của đất nước được mở ra; cũng đồng thời có một “tiền lệ mới” được
đặt ra như một nếp đạo lý của dân tộc: Mừng sinh nhật Bác Hồ.
Thực ra Bác chỉ muốn và đã có một ngày sinh
nhật chung, như trong thư ngày 19/5/1948 gửi Quốc hội và Chính phủ, các đoàn
thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, Người viết: “Tôi và
toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ấy là ngày cách mạng giải phóng
thành công tháng Tám năm 1945”.
Khi phải tạo ra sinh nhật riêng như một tiền
lệ, Bác luôn thấy “trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công
việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên” (Chờ
cho kháng chiến thành công đã/Bạn hãy ăn mừng sinh nhật ta). Vì vậy Người đã sử
dụng ngày kỷ niệm cá nhân theo phong cách khác biệt.
Những năm Chính phủ và Bác Hồ ở chiến khu Việt
Bắc, kỷ niệm sinh nhật Bác vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm với những lời chúc
mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ. Bác
rất xúc động và thường dành lúc này để nói về những việc phải làm, về những tấm
gương trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến.
Có lần (năm 1948) Bác rơm rớm nước mắt đề nghị
dành bó hoa mừng sinh nhật để viếng mộ người phục vụ nấu ăn cho Bác vừa mới qua
đời vì căn bệnh sốt rét ác tính.
Rồi cũng nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 (năm
1950), Bác đã truyền lửa cho cán bộ chiến sĩ, đồng bào niềm tin yêu lạc quan
hăng say làm việc:
“Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán/So với ông
Bành vẫn thiếu niên/Ăn khoẻ, ngủ khoẻ, làm việc khoẻ/Trần gian như thế kém gì
tiên”.
Những năm đất nước bị chia cắt, Bác căn dặn
các địa phương, các cơ quan đoàn thể không nên tổ chức chúc thọ linh đình, làm
tốn thời giờ, tiền của, trong khi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Người lý giải: “Từ trước đến nay tôi đã là
người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào… Việc nước là
lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng
bào sẽ làm cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cường thịnh hơn".
Để tránh những nghi lễ vào dịp sinh nhật của
mình, Bác không ở Hà Nội mà về thăm nhân dân các địa phương nhưng Bác dặn trước
các địa phương không được tổ chức lễ kỷ niệm, không tổ chức chiêu đãi linh
đình…
Bác có thói quen dịp sinh nhật hay làm thơ nói
về tuổi tác với tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước và
đồng bào, đồng chí; sau ngày 19/5, Người viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào,
đồng chí, cơ quan, đoàn thể ở trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Bác
những tình cảm tốt đẹp, thân thiết và nhất là những món quà ý nghĩa về thành
tích mới trong lao động sản xuất./.
Sưu tầm: Nguyễn Thị Sương - Công chức VH-XH